Trẻ mới đi học, đặc biệt là trẻ nhỏ thường rất bỡ ngỡ và một số trẻ phải mất khá nhiều thời gian để làm quen với môi trường mới. Những biểu hiện thường gặp của trẻ mới đi học và nguyên nhân: Trẻ thường khóc nhiều, một số trẻ khó ăn, ăn ít, cũng có trẻ ngủ mơ, nói mơ… hoặc không thích đi học.
Theo nghiên cứu của các chuyên gia giáo dục, hầu hết những biểu hiện trên chỉ là tâm sinh lý bình thường của tất cả các trẻ khi phải xa cha mẹ và người thân, phải tiếp xúc với môi trường mới, khung cảnh xa lạ, chưa quen với nề nếp sinh hoạt và chế độ dinh dưỡng của trường… Trẻ sẽ khóc và có những biểu hiện như trên. Thế nhưng, do một số phụ huynh chưa hiểu được đặc điểm tâm sinh lý đó nên chưa có sự phối hợp tốt với nhà trường để giúp trẻ sớm hòa nhập với môi trường sinh hoạt mới.
Vì thế, phụ huynh hãy cố gắng bình tĩnh và phối hợp chặt chẽ với giáo viên, nhà trường để nhanh chóng khắc phục những khó khăn của trẻ khi trẻ mới đi học ở môi trường mới.
Nhà trường xin tư vấn cho phụ huynh:
- Trước tiên, phụ huynh cần nắm rõ việc đưa trẻ đến trường là để giúp trẻ được xã hội hóa, thích nghi với nội quy của trường lớp, biết tự lập dần dần và biết chơi với bạn hòa thuận.
- Phụ huynh cần chuẩn bị tâm lý cho trẻ trước khi đi học để gây thiện cảm đối với trường mầm non: giới thiệu cho trẻ rằng ở trường có nhiều bạn, nhiều đồ chơi và hoạt động thú vị, cô giáo rất yêu thương trẻ…
- Phụ huynh nên giải thích cho trẻ hiểu khi đi học thì ông bà, cha mẹ làm gì và trẻ chỉ ở trường ban ngày, chiều bố mẹ lại đón về để trẻ yên tâm là mình không bị bỏ rơi.
- Phụ huynh cần tìm hiểu chế độ ăn uống và lịch sinh hoạt hàng ngày ở trường để tập cho trẻ làm quen dần cũng như chuẩn bị sức khỏe cho trẻ thật tốt trước khi đi học. Ví dụ: Bố mẹ nên tìm hiểu thực đơn cũng như cách chế biến một số món ăn ở trường mà trước đó trẻ chưa được ăn và cho trẻ tập ăn ở nhà, tập cho trẻ ăn hoa quả cắt miếng nhỏ thay vì nghiền nát hay xay sinh tố…; nếu từ trước trẻ chỉ uống sữa bột và chưa biết uống sữa tươi không đường, những ngày đầu phụ huynh có thể gửi sữa bột đến trường nhờ các cô cho trẻ uống, sau đó sẽ phối hợp với giáo viên tập cho trẻ uống sữa tươi thay sữa bột như các bạn ở lớp; tìm hiểu chế độ sinh hoạt của trường (giờ đón trẻ, giờ ăn, giờ ngủ trưa…) để thay đổi lịch sinh hoạt ở nhà của trẻ cho phù hợp…
- Tùy theo đặc điểm của trẻ và theo điều kiện của mỗi gia đình, khi trẻ mới đi học, bố mẹ, ông bà hoặc người giúp việ… có thể ở lại trường chơi và “học” cùng trẻ trong khoảng thời gian nhất định mà nhà trường quy định và thời gian ở lại cùng trẻ ngày giảm dần. Điều này giúp cho trẻ có cảm giác trường học cũng là nơi thân thiện, an toàn như gia đình mình, trẻ sẽ dần dần tách ra khỏi mẹ hoặc người thân và cảm thấy mình là một cá thể độc lập. Bên cạnh đó phụ huynh cần chủ động giúp giáo viên làm quen, chơi với trẻ và hướng dẫ trẻ làm quen với nề nếp sinh hoạt của lớp.
- Thời gian đầu có thể chỉ cho trẻ học một buổi (nửa ngày) để quen dần (ăn trưa xong bố mẹ sẽ đón trẻ về), sau đó mới để trẻ ở lại trường cả ngày. Điều này thường áp dụng với những trẻ quá khó trong việc làm quen với trường lớp và cô giáo.
- Phụ huynh nên dành thời gian để đưa đón con đi học trong những ngày đầu để trấn an trẻ và không nên đón trẻ về muộn hơn những bạn khác trong lớp, vì sẽ tạo cho trẻ tâm lý bị cha mẹ bỏ rơi và từ đó trẻ sợ đi học.
Những điều phụ huynh nên tránh:
- Khi đưa trẻ đến trường, phụ huynh và người nhà không nên trốn trẻ để về mà nên chuẩn bị tâm lý trước cho trẻ, tạm biệt dứt khoát và hẹn thời gian sẽ đến đón trẻ.
- Tránh “thập thò” ở của lớp để xem con đang làm gì, con hết khóc chưa, con có ăn được không, có ngủ ngon không…
- Không nên hù dọa rằng “nếu con không ngoan sẽ “mách” cô giáo, bị cô giáo phạt” hoặc “con hư sẽ đưa con đến trường”… vì điều này sẽ vô tình tạo cho trẻ ý thức “cô giáo rất dữ” và “đi học là bị phạt phải xa cách gia đình”, từ đó trẻ sợ cô giáo và không thích đi học.
- Không nên cho trẻ nghỉ học nhiều, bởi trẻ sẽ quen với việc ở nhà và phải làm quen với trường lớp, với các bạn lại từ đầu.
Facebook: https://www.facebook.com/redmoon.edu.vn/